Phục hồi chức năng là gì?

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG LÀ GÌ ? PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 1. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN 1.1. Khiếm khuyết Khiếm khuyết là tình trạng bất thường, thiếu hụt hay mất về cấu trúc, tâm lý hoặc chức năng sinh lý của một hay nhiều cơ quan trong cơ thể do bệnh, thương tật hay tai nạn gây nên. Ví dụ: một trẻ sinh ra có tật bàn chân khoèo (bất thường bẩm sinh), một bệnh nhân bị đục thủy tinh thể do đái tháo đường (bất thường mắc phải) làm giảm khả năng nhìn, một trẻ bẩm sinh bị thiếu hai tay (thiếu hụt bẩm sinh), một người bị tai nạn phải cắt cụt 1/3 giữa đùi phải (mất cấu trúc) làm giảm chức năng đi lại, trẻ bị câm điếc, trẻ chậm phát triển tâm thần, trẻ chậm phát triển trí tuệ do bệnh Down...         Hình 2.1. Dị tật bàn chân khoèo (trái), thiếu hụt tay (phải). 1.2. Giảm khả năng Giảm khả năng là tình trạng người bệnh bị giảm hoặc không thể thực hiện được một hoạt động nào đó (so với người bình thường) do khiếm khuyết gây nên. Ví dụ: người bị suy tim làm giảm khả năng hoạt động thể lực, người bị cụt một hoặc cả hai chân làm giảm khả năng di chuyển. Trẻ chậm phát triển tâm thần dẫn đến khó khăn về học. Trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch sẽ gặp khó khăn khi bú mẹ, ăn uống, nói. Người bị đục thủy tinh thể dẫn đến giảm thị lực sẽ khó khăn trong việc đi lại, hoạt động. 1.3. Người khuyết tật Ngày 17/06/2010, Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12, theo đó: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Trong đó người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây: a) Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày. b) Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày. c) Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này. 1.4. Tàn tật 1.4.1. Khái niệm Tàn tật là tình trạng người bệnh bị giảm hoặc không tự thực hiện được vai trò của mình để tồn tại trong cộng đồng, mà phải phụ thuộc một phần hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào người khác để có thể tồn tại do khiếm khuyết hoặc giảm khả năng gây nên. Đối chiếu với định nghĩa người khuyết tật của Luật Người khuyết tật Việt Nam thì người tàn tật là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Một người có khiếm khuyết hoặc giảm khả năng nhưng họ vẫn có thể tự mình tồn tại trong cộng đồng mà không phải lệ thuộc vào người khác thì người đó không phải là người tàn tật. Nếu một người có khiếm khuyết hoặc giảm khả năng mà không thể tự mình tồn tại được trong cộng đồng như những người cùng giới, cùng tuổi, cùng hoàn cảnh, người đó phải lệ thuộc một phần hoặc lệ thuộc hoàn toàn vào người khác để tồn tại thì được coi là người tàn tật. 1.4.2. Phân loại khuyết tật - Phân loại theo tổn thương về cấu trúc: + Khuyết tật do rối loạn tâm thần, bao gồm cả trẻ em chậm phát triển trí tuệ. Ví dụ: người bệnh tâm thần, trẻ em bị bại não. + Khuyết tật về thể chất bao gồm: . Khuyết tật do rối loạn vận động: liệt nửa người do đột qụy não, liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống, các tổn thương thần kinh ngoại biên gây liệt. . Khuyết tật do rối loạn cảm giác: người khó khăn về nhìn do tổn thương thị giác, người khó khăn về nghe và nói, người mất cảm giác do bị bệnh hủi. . Khuyết tật do tổn thương các cơ quan nội tạng: người bị suy tim mạn tính, người bị suy thận mạn tính, người bị xơ gan. + Đa khuyết tật: một người có hai khuyết tật trở lên là đa khuyết tật. Người bị đột quỵ não gây liệt nửa người kèm rối loạn ngôn ngữ. Người bị liệt hai chi dưới kèm suy thận mạn tính do biến chứng viêm thận - bể thận mạn tính. Trẻ chậm phát triển trí tuệ kèm rối loạn vận động do bị bại não, bị bệnh Down… - Phân loại theo tổn thương chức năng (cách phân loại này thường được áp dụng trong cộng đồng vì dễ được cộng chấp nhận): + Người có khó khăn về vận động: người cụt chi, người liệt nửa người, người liệt hai chi dưới, trẻ bại não… + Người có khó khăn về học: trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ bại não. + Người có khó khăn về nhìn: người bị đục thủy tinh thể, người mù. + Người có khó khăn về nghe nói: người bị giảm thính lực hay điếc. + Người có hành vi xa lạ: người bị bệnh tâm thần. + Người bị động kinh: động kinh cơn lớn, động kinh cơn nhỏ. + Người bị mất cảm giác: người bị bệnh phong. 1.5. Quá trình khuyết tật Quá trình từ người khỏe mạnh, bị bệnh trở thành người bệnh, người bệnh trở thành người khiếm khuyết, người khiếm khuyết trở thành người giảm khả năng, người giảm khả năng trở thành người tàn tật được gọi là quá trình khuyết tật. 2. PHÒNG NGỪA KHUYẾT TẬT 2.1. Phòng ngừa bước 1 Phòng ngừa khuyết tật bước 1 là phòng ngừa không để xảy ra khiếm khuyết. - Làm tốt công tác giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. - Làm tốt công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm cả tiêm chủng, sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. - Phát hiện bệnh sớm và điều trị tích cực. - Làm tốt công tác bảo hộ lao động, hạn chế tối đa các tai nạn và rủi ro nghề nghiệp. - Hạn chế tối đa tai nạn giao thông. - Phát hiện sớm các khuyết tật bẩm sinh ngay từ giai đoạn trước sinh, trong sinh và sau sinh để có biện pháp khắc phục và điều trị thích hợp, làm tốt công tác chăm sóc thai sản. 2.2. Phòng ngừa bước 2Sơ đồ 2.1. Các bước phòng ngừa khuyết tật. Phòng ngừa khuyết tật bước 2 là phòng ngừa không để khiếm khuyết dẫn đến giảm khả năng. - Phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp sớm khiếm khuyết, không để xảy ra giảm khả năng. - Tạo điều kiện cho người khiếm khuyết có công ăn việc làm, có thu nhập và hòa nhập xã hội. - Tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học hành, vui chơi. - Phát triển hệ thống phục hồi chức năng đến tuyến cơ sở để có thể can thiệp sớm. 2.3. Phòng ngừa bước 3  Phòng ngừa khuyết tật bước 3 là phòng ngừa giảm khả năng không trở thành tàn tật. - Làm tốt công tác phục hồi chức năng cho người tàn tật, cung cấp các dụng cụ thay thế trợ giúp cho người tàn tật. - Thực hiện các chính sách xã hội, giải quyết vấn đề việc làm có thu nhập kinh tế cho người tàn tật. - Tổ chức giáo dục hướng nghiệp, tạo điều kiện cho người tàn tật tái hòa nhập và hòa nhập cộng đồng. 3. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG                3.1. Khái niệm Phục hồi chức năng là một chuyên ngành y học, nghiên cứu và ứng dụng mọi biện pháp như y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, giáo dục học, xã hội học… nhằm làm cho người khuyết tật có thể thực hiện được tối đa những chức năng đã bị giảm hoặc mất do khiếm khuyết và giảm khả năng gây nên, giúp cho người khuyết tật có thể sống độc lập tối đa, hòa nhập hoặc tái hòa nhập xã hội, có cơ hội bình đẳng và tham gia vào các hoạt động xã hội. Theo Thông tư số 46/2013 của Bộ Y tế: “Phục hồi chức năng là quá trình trợ giúp cho người bệnh và người khuyết tật bằng phương pháp y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, biện pháp giáo dục và xã hội làm giảm tối đa ảnh hưởng của khuyết tật, giúp người bệnh có cơ hội bình đẳng tham gia các hoạt động xã hội và hòa nhập cộng đồng”. Dưới đây là nguyên văn định nghĩa phục hồi chức năng của Tổ chức Y tế Thế giới: Rehabilitation "A set of measures that assist individuals who experience, or are likely to experience [resulting from impairment, regardless of when it accurred (congenital, early or late)] to achieve and maintain oftimal funtioning in interation with there enviroments".                                                                   Who, world report on disability (2011) 3.2. Mục tiêu của phục hồi chức năng - Ngăn ngừa bệnh tật thứ phát. - Giúp cho người khuyết tật thực hiện được tối đa các chức năng sinh lý, tinh thần và nghề nghiệp đã bị giảm hoặc mất do khiếm khuyết và giảm khả năng gây nên. - Tạo cho người khuyết tật có cuộc sống tự lập tối đa. - Giúp người khuyết tật hòa nhập được với gia đình, xã hội và hoạt động nghề nghiệp có thu nhập. 3.3. Nội dung tiến hành phục hồi chức năng - Sử dụng các biện pháp y học như điều trị, phẫu thuật, chăm sóc sức khỏe để tạo thuận lợi cho phục hồi chức năng. Ví dụ: khớp gối bị cứng do bất động sau gãy xương phải phẫu thuật tái tạo khớp gối, vá dị tật hở hàm ếch và sứt môi, cắt cụt chi lần hai để giúp cho mang chi giả. - Sử dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng để làm bệnh nhân thực hiện được tối đa các chức năng bị giảm hoặc mất, bao gồm: + Khám và lượng giá chức năng để đánh giá đúng tình trạng sức khỏe và mức độ khuyết tật của bệnh nhân, từ đó lập kế hoạch cho công tác phục hồi chức năng. + Vật lý trị liệu để hỗ trợ cho phục hồi chức năng. + Vận động trị liệu giúp phục hồi khả năng vận động. + Hoạt động trị liệu, tái giáo dục nghề nghiệp. + Ngôn ngữ trị liệu được áp dụng với các bệnh nhân gặp khó khăn về nói. + Các biện pháp giáo dục đặc biệt: dạy cách dùng ký hiệu để giao tiếp đối với người bị câm điếc, dạy chữ nổi cho người khiếm thị... giúp họ thực hiện được các chức năng giao tiếp đã bị mất. + Sử dụng các dụng cụ trợ giúp, thay thế như máy trợ thính, chân tay giả, nẹp, nạng, xe lăn... - Làm thay đổi tích cực suy nghĩ, quan niệm của người khuyết tật và xã hội, tạo sự bình đẳng trong xã hội đối với người khuyết tật. - Cải thiện điều kiện sống: cải tạo nhà ở, trường học, phương tiện giao thông, công sở để người khuyết tật có thể hòa nhập, có cơ hội vui chơi, học hành, tham gia vào các hoạt động xã hội. - Tạo việc làm như dạy nghề, thành lập các xưởng sản xuất dành cho người khuyết tật... để giúp họ có thu nhập. 3.4. Các hình thức phục hồi chức năng 3.4.1. Phục hồi chức năng tại các trung tâm phục hồi chức năng hoặc các khoa phục hồi chức năng của bệnh viện Phục hồi chức năng tại các trung tâm hoặc các khoa phục hồi chức năng là hình thức người khuyết tật đến các trung tâm hoặc các khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện để được tiến hành phục hồi chức năng. - Ưu điểm: + Tập trung nhiều phương tiện và cán bộ chuyên khoa nên có thể đạt được kết quả cao nhất, nhất là các trường hợp khó phục hồi. + Có thể làm công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ. - Nhược điểm: + Người khuyết tật phải đi đến trung tâm để được phục hồi chức năng. Điều này là một khó khăn đối với bản thân người khuyết tật và gia đình họ, vì phần lớn gia đình người khuyết tật là những gia đình khó khăn cả về nhân lực và kinh tế. + Số lượng người khuyết tật được phục hồi chức năng ít, vì số trung tâm và khả năng tiếp nhận của các trung tâm có giới hạn, trong khi số người khuyết tật nhiều. Những khó khăn về kinh tế và nhân lực của người khuyết tật và gia đình họ cũng làm hạn chế số người khuyết tật đến các trung tâm để được phục hồi chức năng. - Phục hồi không sát với nhu cầu người khuyết tật tại địa phương họ. Mỗi địa phương nơi người khuyết tật sinh sống có những đặc điểm riêng về địa lý, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế. Vì vậy, phục hồi chức năng tại các trung tâm hoặc bệnh viện khó đáp ứng được hết mọi điều kiện để họ thích nghi được với điều kiện tại địa phương nơi họ sinh sống. - Giá thành cao: Người khuyết tật và gia đình họ phải chi trả tốn kém, đồng thời chi phí xây dựng và hoạt động của các trung tâm cũng cao, vì vậy không thể đáp ứng được với số lượng đông người khuyết tật. 3.4.2. Phục hồi chức năng ngoài bệnh viện Phục hồi chức năng ngoài bệnh viện là hình thức thành lập các tổ công tác phục hồi chức năng, bao gồm các cán bộ làm công tác phục hồi đem phương tiện đến nơi có người khuyết tật sinh sống để tiến hành phục hồi chức năng. - Ưu điểm: + Số lượng người khuyết tật được phục hồi chức năng có thể tăng. + Phục hồi sát với nhu cầu của người khuyết tật tại gia đình và địa phương. - Nhược điểm: + Thiếu cán bộ phục hồi chức năng. + Chi phí lớn cho công tác phục hồi chức năng. 3.4.3. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng  Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là hình thức mà người khuyết tật được phục hồi chức năng tại gia đình, địa phương, nơi họ sinh sống với sự giúp đỡ của người thân hoặc người tình nguyện trong cộng đồng và nhân viên y tế cơ sở, dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành phục hồi chức năng. - Ưu điểm: + Đây là cách xã hội hóa công tác phục hồi chức năng tốt nhất trong phạm vi quốc gia, quốc tế. Phục hồi chức năng tại cộng đồng có thể thu hút được những người thân trong gia đình, những người tình nguyện trong cộng đồng, các đoàn thể xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, thu hút được hệ thống chính quyền cơ sở tham gia vào công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại địa phương. Đây là hình thức tốt nhất để làm thay đổi quan niệm của cộng đồng đối với người khuyết tật, tạo thuận lợi nhất cho những người khuyết tật hòa nhập với gia đình và xã hội. + Tỷ lệ người khuyết tật được phục hồi cao nhất. Phục hồi chức năng tại cộng đồng có thể triển khai rộng rãi trên cả nước, nhờ đó số người khuyết tật có cơ hội được phục hồi chức năng nhiều nhất. + Đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người khuyết tật, phù hợp với nơi họ sinh sống, giúp họ có cơ hội hòa nhập với xã hội. Người khuyết tật vẫn sống tại gia đình và địa phương, vì vậy các chương trình phục hồi chức năng được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh địa lý, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế tại địa phương, giúp người khuyết tật dễ dàng hòa nhập. + Chi phí cho phục hồi chức năng ít tốn kém, dễ chấp nhận. Phục hồi chức năng tại cộng đồng tận dụng được các phương tiện tại chỗ như chế tạo các dụng cụ trợ giúp hoặc phương tiện tập luyện bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ làm giảm chi phí cho công tác phục hồi chức năng. Tận dụng được nhân lực tại địa phương giúp khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực. Hình 2.2. Thanh song song làm bằng tre cho người khuyết tật tập đi tại cộng đồng. + Có thể gắn chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng vào công tác của hệ thống y tế hiện có. Ở mỗi quốc gia đều có hệ thống y tế từ trung ương tới cơ sở, công tác phục hồi chức năng tại cộng đồng được gắn với hệ thống này. Vì vậy, giải quyết được vấn đề nhân lực, ngân quỹ và công tác quản lý. - Nhược điểm: Kết quả phục hồi chức năng cho những trường hợp khó thường thấp, các trường hợp này cần được chuyển về các trung tâm phục hồi chức năng có đủ phương tiện và cán bộ chuyên ngành. Nguồn: Hà Hoàng Kiệm (2016). Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng. Giáo trình dùng cho đại học. Học viện Quân y. NXB QĐND. 

Sử dụng sóng ngắn trong điều trị vật lý trị liệu tại khoa Phục hồi chức năng BVĐK Đức Giang

Sóng ngắn trị liệu là gì? Sóng ngắn trị liệu (shortwave therapy) hay gọi là sóng ngắn, sóng radio, điện trường cao tần là một phương pháp điều trị trong vật lý trị liệu trong đó sử dụng các bức xạ điện từ có bước sóng tính bằng mét, sóng ngắn dùng trong điều trị thông thường có bước sóng từ 11 m (tương đương tần số 27,12 MHz - Là đặc trưng của thiết bị sóng ngắn  hãng TUR: Thermatur 200+ ) đến 22 m (tần số 13,56 MHz. Hiện nay, phần lớn các máy sóng ngắn trị liệu sử dụng bước sóng 11,2 m. Với bước sóng này việc trị liệu sẽ đạt được hiệu quả cao nhất, tránh được hiện tượng nhiễu sóng hoặc giao thoa. ( Hình ảnh thiết bị sóng ngắn Thermatur 200+ là sản phẩm độc quyền phân phối của công ty Thiên Hà được sử dụng tại Bệnh Viện Đa Khoa Đức Giang - Hà Nội ) Sóng ngắn có tác dụng? Sóng ngắn có tác dụng làm tăng nhiệt độ trong tổ chức (còn gọi là nội nhiệt) và gây hiệu ứng sinh học, do đó có các tác dụng điều trị sau: Tác dụng giảm đau Nhiệt sóng ngắn còn ức chế các sợi dẫn truyền cảm giác đau. Tác dụng giảm đau còn do tăng tuần hoàn cục bộ làm tăng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa, tái hấp thu các dịch tiết bị tích tụ, ngoài ra tăng nhiệt còn làm giãn và giảm trương lực cơ. Tác dụng chống viêm Sóng ngắn làm tăng bạch cầu đến tổ chức viêm, tăng khả năng di chuyển và thực bào của thực bào do đó có tác dụng chống viêm rất tốt. Tác dụng điều trị đối với mạch máu Với liều điều trị nhiệt khối gây giãn mạch, giảm ứ đọng, tăng cường lưu lượng máu lưu thông. Tác dụng lên hệ thần kinh vận động Khi điều trị băng sóng ngắn giúp giảm căng thẳng của hệ thần kinh thực vật. Đặc biệt khi kết hợp với vận động trị liệu sẽ làm tăng nhanh sự dẫn truyền thần kinh vận động, điều này đáp ứng tốt cho công việc phục hồi chức năng. Bệnh lý nào cần được điều trị bằng sóng ngắn? Ứng dụng tác dụng tuyệt vời của phương pháp điều trị bằng sóng ngắn, Hiện nay khoa PHỤC HỒI CHỨC NĂNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG chúng tôi sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như: Viêm quanh khớp vai, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp, viêm cơ, viêm màng xương, viêm xương tủy xương Đau lưng, đau cổ gáy, đau thần kinh ngoại vi, co cứng cơ do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm Chống sưng nề và máu tụ sau chấn thương Vết thương nhiễm khuẩn, phù nề và đau sau phẫu thuật, kích thích quá trình lành vết thương. Một số rối loạn thần kinh, tuần hoàn cục bộ: Hội chứng Sudeck, viêm cốt hóa lạc chỗ… Phương pháp trên là một phát minh vượt bậc trong ngành phục hồi chức năng và ngày nay đang được áp dụng phổ biến tại các bệnh viện, trung tâm PHCN tuyến trung ương. Khi gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào nói trên hãy đến với khoa PHCN bệnh viện Đa Khoa Đức Giang để được khám và điều trị. Gia tăng dinh dưỡng chuyển hóa bằng thúc đẩy thay đổi hóa học trong mô, thải bỏ chất cặn bã. Tăng tuần hoàn bằng tác dụng trực tiếp lên mạch, kích thích lên các đầu dây thần kinh, tăng lượng máu lưu thông đến các cơ. Tác dụng thư giãn cho cơ và tăng co bóp cơ. Tăng thân nhiệt. Hạ huyết áp, điều hòa nhiệt độ và tăng hoạt động các tuyến mồ hôi. Các tác dụng khác như chống viêm, giảm phù nề, tăng hoạt tính nội tiết và tăng tái tạo tế bào. Điều trị bằng sóng ngắn 1. Khái niệm sóng ngắn: - Sóng ngắn là những bức xạ điện từ có bước sóng tính bằng mét (còn gọi là sóng radio cao tần, hay điện trường cao tần), sóng ngắn dùng trong điều trị thông thường có bước sóng 11m (tương đương tần số 27,12KHz) và 22m (tần số 13,56KHz). Người ta tạo ra sóng ngắn bằng cách cho dòng điện siêu cao tần chạy trong các điện cực kim loại (điện cực cứng hình đĩa, điện cực mềm, điện cực cáp, điện cực kim...), các điện cực này sẽ phát ra các bức xạ điện từ có tần số đúng bằng tần số của dòng điện trong mạch. 2. Tác dụng vật lý của sóng ngắn: 2.1. Tác dụng sinh nhiệt: Khi đặt phần tổ chức cơ thể hay các vật dẫn điện khác trong điện từ trường của dòng điện cao tần, các phân tử lưỡng cực trong cơ thể (một đầu âm một đầu dương, điển hình là phân tử nước) sẽ xoay theo sự đảo chiều của dòng điện với tần số rất cao bằng tần số dòng điện, động năng của các phân tử này sẽ chuyển thành nhiệt năng làm tổ chức nóng lên. Khác với các phương pháp nhiệt bề mặt chỉ tác dụng nhiệt ở nông, nhiệt do sóng ngắn tạo ra là nhiệt sâu, hay nhiệt khối, còn gọi là nội nhiệt, tức là năng lượng lý học trực tiếp truyền theo 3 chiều của khối tổ chức, năng lượng này chuyển thành nhiệt. Nhiệt khối làm cho cơ thể dễ chịu (hợp sinh lý) hơn nhiệt bề mặt. 2.2.Tác dụng tăng chuyển hóa: Do tác dụng của sóng ngắn gây tăng nhiệt nên có tác dụng làm tăng các phản ứng hóa học và tăng chuyển hóa, phù hợp theo định luật Vant Hoff: khi tăng nhiệt độ lên 10C thì chuyển hóa tăng lên 13%. 3. Tác dụng điều trị: 3.1. Tác dụng giảm đau: Nhiệt sóng ngắn còn ức chế các sợi dẫn truyền cảm giác đau. Trên hạch giao cảm, nhiệt khối tác dụng lên các hạch giao cảm cổ và thắt lưng làm dịu và giảm căng thẳng của hệ thần kinh thực vật, do đó có tác dụng giảm đau ở nội tạng. Tác dụng giảm đau còn do tăng tuần hoàn cục bộ làm tăng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa, tái hấp thu các dịch tiết bị tích tụ, ngoài ra tăng nhiệt còn làm giãn và giảm trương lực cơ vân. 3.2. Tác dụng chống viêm: Sóng ngắn làm tăng bạch cầu đến tổ chức viêm, tăng khả năng di chuyển và thực bào của thực bào do đó có tác dụng chống viêm rất tốt. 3.3. Tác dụng đối với mạch máu: Với liều điều trị nhiệt khối gây giãn mạch, giảm ứ đọng, tăng cường lưu lượng máu lưu thông. Ngược lại với liều mạnh và thời gian kéo dài lại có tác dụng co mạch thậm chí đe dọa tắc mạch. 3.4. Tác dụng lên hệ thần kinh vận động: Khi điều trị băng sóng ngắn kết hợp với vận động liệu pháp sẽ làm tăng nhanh sự dẫn truyền thần kinh vận động, điều này đáp ứng tốt cho công việc phục hồi chức năng. 4. Các phương pháp điều trị bằng sóng ngắn. Phương pháp dùng điện cực tụ là chủ yếu: - Đặt 2 điện cực đối diện: + Hai điện cực có diện tích bằng nhau và khoảng cách tới da tương đương thì mật độ năng lượng tập trung đều ở hai bên, nếu các điện cực đặt cách xa da thì mật độ năng lượng tập trung ở sâu (Hình 4.2-1), các điện cực càng gần da thì mật độ tập trung ở lớp nông hơn (Hình 4.2-2). + Hai điện cực diện tích bằng nhau, nhưng khoảng cách tới da khác nhau thì mật độ năng lượng tập trung ở lớp nông phía điện cực gần da hơn (Hình 4.2-3). + Hai điện cực diện tích khác nhau đặt khoảng cách tới da cân xứng thì bên điện cực nhỏ tập trung nhiều năng lượng hơn (Hình 4.2-4). - Đặt 2 điện cực trên một mặt phẳng: năng lượng tập trung ở lớp nông giữa hai điện cực (Hình 4.2-5). - Hai điện cực tạo với nhau một góc: năng lượng tập trung ở góc tạo bởi hai điện cực (Hình 4.2-6). 5. Đặc điểm sóng ngắn chế độ xung: - Sóng ngắn chế độ liên tục gây tăng nhiệt tổ chức không đồng đều và khó kiểm soát dễ gây quá mức. Trong khi đó dùng sóng ngắn chế độ xung cho phép sử dụng công suất đỉnh lớn, trong khi công suất trung bình lại không cao, nên có tác dụng chống viêm giảm đau mạnh, nhanh chóng làm lành vết thương, tăng tuần hoàn ngoại vi, kích thích quá trình liền xương, nhưng lại không gây nên hiện tượng tăng nhiệt độ quá cao tại chỗ. - Công suất trung bình của sóng ngắn chế độ xung phụ thuộc vào tần số xung lập lại. Trong chế độ liên tục công suất không đổi trong suốt thời gian điều trị nên thường sử dụng với liều thấp, còn ở chế độ xung có thể sử dụng với năng lượng cao nhưng do ngắt quãng nên công suất trung bình giảm đi rất nhiều. Công suất trung bình được tính theo công thức: Ptb = Pđ . Fx . tx       (Pđ: công suất đỉnh, Fx: tần số xung, tx: thời gian rộng xung). 6. Đặc điểm của vi sóng: Vi sóng dùng trong Vật lý trị liệu có tần số 2450MHz. Tác dụng chính của vi sóng cũng như sóng ngắn là tăng nhiệt tổ chức, tăng chuyển hóa, kích thích sợi thần kinh, giảm đau và chống viêm. 7. Liều điều trị: Liều điều trị được tính bằng công suất ra đầu phát, đơn vị tính bằng watt (w). Liều bao gồm: - Công suất đầu ra. - Diện tích điện cực (quyết định khối lượng mô tác dụng). - Cách đặt điện cực (quyết định tác dụng nông sâu). - Chế độ liên tục hay chế độ xung lập lại, nếu là chế độ xung thì phụ thuộc vào tần số lập lại. Nói chung, nên chọn công suất với chế độ liên tục và công suất trung bình với chế độ xung như sau: + Công suất thấp (không nóng):           15-20w + Công suất vừa (ấm):               20-30w + Công suất cao (nóng dễ chịu): 30-50w + Công suất tương đối cao (nóng rõ): > 60w - Thời gian một lần điều trị, đợt điều trị: với bệnh mạn tính thời gian điều trị tới 20 phút, với bệnh cấp tính thời gian chỉ nên 10 phút. 8. Chỉ định và chống chỉ định: 8.1. Chỉ định: + Chống viêm giảm đau: viêm quanh khớp vai, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp, viêm cơ, viêm màng xương, viêm tai mũi họng, viêm đau cơ quan nội tạng, đau lưng, đau thần kinh ngoại vi, co cứng cơ... + Chống sưng nề và máu tụ sau chấn thương, vết thương nhiễm khuẩn, phù nề và đau sau chấn phẫu thuật, kích thích quá trình lành vết thương. + Một số rối loạn tuần hoàn cục bộ: như co mạch ngoại vi, phù nề, thiếu máu cục bộ. 8.2. Chống chỉ định tuyệt đối: + Tăng sản tổ chức, u ác tính. + Người đang mang máy tạo nhịp. + Lao chưa ổn định. + Bào thai. + Máu chậm đông. + Đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu nội tạng. + Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp biến dạng vì tăng nhiệt ở khớp gây tăng hoạt tính của men collagenase phá hủy sụn. 8.3. Chống chỉ định tương đối: + Có kim loại trong cơ thể (đinh, nẹp, mảnh đạn...), tránh không để trường điện từ đi qua vì có thể gây tăng nhiệt cao ở kim loại làm tổn thương tổ chức xung quanh. + Có rối loạn cảm giác, mất cảm giác. + Có bệnh tim mạch như suy tim, loạn nhịp, vữa xơ động mạch nặng, viêm tắc mạch... + Nhiễm trùng cục bộ chỉ dùng liều thấp. + Người quá mẫn với sóng ngắn. Nguồn: https://benhvienducgiang.com/thong-tin-chuyen-mon/su-dung-song-ngan-trong-dieu-tri-vat-ly-tri-lieu-tai-khoa-phuc-hoi-chuc-nang-bvdk-duc-giang/156-733-855.aspx

Hotline: 0904 785 968